Người sử dụng lao động có được trừ lương Người lao động với lý do đi làm muộn không?

Tình trạng Người lao động đi làm muộn thường diễn ra phổ biến tại các Tổ chức, Doanh nghiệp. Điều này làm cho Người sử dụng lao động phải đau đầu nghĩ ra các biện pháp ngăn chặn tình trạng đi muộn về đúng giờ, thậm chí là đi muộn về sớm. Một trong những biện pháp Người sử dụng lao động thường áp dụng đó là phạt tiền, cắt lương Người lao động. Vậy biện pháp này có đúng với quy định pháp luật Việt Nam hay không? Bài viết dưới đây của Văn phòng Luật sư Dân An sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.

Căn cứ Điều 127 Bộ luật Lao động năm 2019, Người sử dụng lao động bị cấm dùng hình thức phạt tiền, cắt lương do đi làm muộn là vi phạm quy định của pháp luật lao động. Để xử lý trường hợp này cho phù hợp, Người sử dụng lao động có thể quy định hành vi đi làm muộn trong Nội quy lao động để xử lý Kỷ luật lao động đối với Người lao động theo hình thức khiển trách. Ví dụ như trong Nội quy lao động quy định: “ Đi làm muộn quá 3 lần trong một tuần (trên 15 phút/lần) sẽ bị hình thức kỷ luật khiển trách bằng văn bản” …

Trên thực tế, Người sử dụng lao động trong một số trường hợp vẫn không trả lương một cách đầy đủ cho Người lao động đi làm muộn với lý do rằng thời gian đi làm muộn chính là thời gian không làm việc và Người sử dụng lao động không có nghĩa vụ trả lương cho Người lao động đối với khoảng thời gian không làm việc đó. Thời gian đi làm muộn của Người sử dụng lao động sẽ được Người sử dụng lao động xác định thông qua hệ thống chấm công tự động ghi nhận thời điểm đến và rời khỏi nơi làm việc của Người lao động. Theo đó, số phút đi làm trễ mỗi ngày được cộng dồn trong một tháng để tính số giờ Người lao động không làm việc. Người lao động chỉ được trả lương đối với số giờ làm việc còn lại trong tháng đó, sau khi đã trừ đi số giờ đi làm muộn trong tháng nói trên.

Tuy nhiên, lập luận trên cũng sẽ được xem là chưa phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Theo đó hình thức trả lương cho Người lao động hiện nay bao gồm hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm, hoặc khoán. Trong đó hình thức trả lương theo thời gian bao gồm tiền lương tháng, tiền lương tuần và tiền lương giờ (Khoản 1 Điều 54 Nghị định số 05/2020/NĐ-CP), không bao gồm tiền lương phút hoặc tiền lương được tính theo các đơn vị thời gian nhỏ hơn. Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do các bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp 1 lần (Khoản 1 Điều 07 Bộ luật Lao động 2019). Như vậy việc cộng dồn số phút Người lao động đi làm trễ mỗi ngày trong một tháng để tính số giờ không làm việc làm cơ sở trả lương cho Người lao động hàng tháng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật lao động.

Trong trường hợp Người sử dụng lao động vẫn tiến hành trừ lương do hành vi đi làm muộn của Người lao động thay cho việc xử lý Kỷ luật lao động thì Người sử dụng lao động có thể phải chịu rủi ro pháp lý nếu Người lao động khiếu nại hoặc khởi kiện tại Cơ quan quản lý lao động địa phương hoặc Toà án có thẩm quyền.

Trên đây là bài viết của chúng tôi hi vọng có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về việc xử phạt Người lao động khi đi làm muộn. Trong trường hợp có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào cần giải đáp, hãy gọi cho chúng tôi qua:

Hotline 0912 236 527; 0204 3992 246 Hoặc gửi thư vào hòm thư qua địa chỉ Email: Dananluatsu@gmail.com để được Luật sư tư vấn kỹ hơn.

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *