Theo đề nghị của Ủy ban về việc góp ý Dự thảo Báo cáo chi phí tố tụng theo đề nghị của Tòa án Nhân dân Tối cao gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Văn bản số: 140/TANDTC – PC ngày 24/08/2022. Tôi Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang gửi Quý cơ quan ý kiến góp ý về Chi phí chi trả cho Luật sư tham gia bào chữa chỉ định theo đề nghị của cơ quan tiến hành tụng như sau:

          1. Thực trạng

          Hàng năm số lượng vụ án Luật sư tham gia bào chữa theo yêu cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng (bào chữa theo chỉ định) tại Bắc Giang nói riêng, toàn quốc nói chung rất lớn. Tại Bắc Giang, trong 08 tháng (từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/08/2022), Đoàn Luật sư tỉnh đã tiếp nhận và phân công tổ chức hành nghề cử Luật sư tham gia bào chữa theo chỉ định cho 138 bị can theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, hầu hết từ giai đoạn Điều tra và quyết định phân công tham gia toàn bộ các giai đoạn tố tụng. Nếu tính tất cả các giai đoạn tố tụng Luật sư tham gia bào chữa theo chỉ định cho bị can từ khi được phân công gồm điều tra, truy tố, xét xử Sơ thẩm, xét xử Phúc thẩm, và theo quy định hiện hành cơ quan nào đề nghị sẽ do cơ quan đó thanh toán thì số lượng lần các cơ quan tố tụng phải thực hiện thanh toán chi phí cho Luật sư Đoàn Luật sư Bắc Giang thực hiện bào chữa chỉ định có thể tính tướng ứng là: 138 x 4 = 552 thủ tục thanh toán.

          Việc tham gia bào chữa theo chỉ định của Luật sư không những đảm bảo quyền lợi ích của bị can, bị cáo mà đã góp phần đảm bảo pháp chế, hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp.

          Về cơ bản hoạt động tham gia bào chữa theo chỉ định thời gian qua đạt kết quả và chất lượng. Tuy vậy hiện còn ý kiến cho rằng chất lượng hoạt động bào chữa theo chỉ định chưa ngang bằng với các vụ án do khách hàng mời. Nguyên nhân được đề cập có nguyên nhân do Luật sư chưa giành nhiều thời gian cho các vụ án chỉ định như vụ án khách hàng mời; đồng thời khi mời Luật sư tham gia vụ án chỉ định chính Cơ quan tiến hành tố tụng cũng chỉ mời Luật sư tham dự rất hạn chế các hoạt động tố tụng(thường giai đoạn điều tra Cơ quan điều tra chỉ mời Luật sư tham dự 1 – 2 buổi) trong khi đó theo luật về nguyên tắc Luật sư phải và được tham gia tất cả các hoạt động tố tụng và trên thực tế vụ việc do khách hàng mời thời gian Luật sư tham gia thường nhiều hơn.

          Hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan tác động đến hoạt động Luật sư nhưng trong đó có nguyên nhân từ chính Chế định về thanh toán, chi trả chi thù lao cho Luật sư khi tham gia bào chữa chỉ định còn nhiều bất cập từ nội dung quy định của pháp luật, về việc áp dụng thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ trên thực tế; sự thiếu sự phối hợp giữa các bên và chưa cụ thể hóa trách nhiệm …

          Thực tiến hiện việc thanh toán thường do Cơ quan tiến hành tố tụng tự tính toán, xác định và thanh toán cho Luật sư; đôi khi hoạt động này chưa thật sự rõ ràng, thiếu cụ thể đôi khi còn tùy nghi; quy định pháp luật hiện quá sơ sài gây khó khăn cho chính cơ quan tiến hành tố tụng khi thanh toán.

            2. Một số thiếu sót, vướng mắc, hạn chế của quy định pháp luật hiện hành về thanh toán thù lao cho Luật sư khi tham gia bào chữa theo chỉ định

          Việc thanh toán thù lao cho Luật sư thực hiện án chỉ định đang được thực hiện thực hiện theo Thông tư liên tịch số: 191/2014/TTLT – BTC – BTP ngày 12/12/2014 của Liên Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn về Thù lao và thanh toán chi phí cho Luật sư trong trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng.      Thông tư liên tịch số: 191/2014/TTLT – BTC – BTP đã bộc lộ một số hạn chế sau:

2.1. Về Giá  trị pháp lý đây chỉ là Thông tư liên tịch mà không được quy định trong Pháp lệnh hoặc Nghị định

 Pháp lệnh số: 02/2012/UBTVQH13 chưa điều chỉnh về nội dung chi phí trả Luật sư tham gia vụ án chỉ định. Chế định về Thù lao và thanh toán chi phí cho Luật sư trong trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng hiện không được quy định trong Pháp lệnh hoặc Nghị định của Chính phủ đã dẫn đến thực tế nhiều nội dung Thông tư không thể hướng dẫn được đặc biệt các nội dung liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh cơ quan và cần sự thống nhất.

          2.2.Thông tư liên tịch số: 191/2014/TTLT – BTC – BTP được ký kết không có sự tham gia của các chủ thể trực tiếp thực hiện, nội dung quy định quá sơ sài, chưa bám sát thực tiễn gây khó khăn khi thực hiện

          Chủ thể tham gia ký kết Thông tư liên tịch số: 191/2014/TTLT – BTC – BTP Bao gồm Bộ Tư pháp và cơ quan Cơ quan quản lý Nhà nước về Luật sư và Bộ Tài chính.  Ký kết, ban hành Thông tư này  không bao gồm Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao là các chủ thể trực tiếp bị điều chỉnh và trực tiếp tổ chức thực hiện công việc.

          Đoàn Luật sư là đơn vị tiếp nhận yêu cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng và có trách nhiệm phân công tổ chức hành nghề Luật sư cử Luật sư thực hiện sau đó có trách nhiệm theo dõi, giám sát Luật sư thực hiện, giải quyết các sự kiện pháp lý khi Luật sư thực hiện nhưng không được đề cập trong Thông tư và cũng không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

          Các chủ thể có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện nhưng không phải chủ thể ban hành văn bản. Điều đó dẫn đến nội dung Thông tư quá sơ sài, không bám sát thực tiễn và thiếu cơ chế để triển khai đồng bộ, thống nhất; không có quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể của các bên khi tổ chức thực hiện.

          Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể hóa trách nhiệm các bên ( trong đó cso cả trách nhiệm Đoàn Luật sư và Luật sư), phù hợp thực tiễn, dễ thực hiện.  Văn bản pháp luật điều chỉnh về Nội dung này bắt buộc phải được xây dựng, ban hành, ký kết với sự tham gia của chính các chủ thể thực hiện trong đó có Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối Cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, sự tham gia của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam.

          2.3. Trình tự, thủ tục, quy trình thanh toán; Biểu mẫu, chứng từ để thanh toán; thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện việc thanh toán…chưa được quy định cụ thể dẫn tới việc khó khăn khi tổ chức thực hiện, thiếu sự thống nhất, đồng bộ, có sự tùy nghi hoặc không thực hiện

          Thông tư liên tịch số: 191/2014/TTLT – BTC – BTP hiện nay chỉ quy định Cơ quan nào mời Cơ quan đó chi trả; quy định thời gian chi trả là khi kết thúc hoạt động tại giai đoạn đó; và quy định yêu cầu Luật sư phải hoàn thiện chứng từ và đề nghị thanh toán.

          Thông tư liên tịch số: 191/2014/TTLT – BTC – BTP hiện không có quy định về:

          – Biểu mẫu, chứng từ Luật sư và Cơ quan tiến hành tố tụng cần là gì và thiết lập như thế nào không có quy định và hướng dẫn cụ thể;

          – Thẩm quyền tiếp nhận, đầu mối tiếp nhận, trách nhiệm xử lý và giải quyết (bao gồm cả trách nhiệm giải quyết khiếu nại, kiến nghị nếu có) của Cơ quan tiến hành tố tụng khi Luật sư gửi chứng từ, yêu cầu thanh toán hiện không có quy định cụ thể, hiện chỉ quy định chung chung cơ quan.

          – Người có trách nhiệm lập hồ sơ, chứng từ là cán bộ tiến hành tố tụng hay Luật sư hiện không rõ ràng. Theo quy định về tài chính, kế toán ngân sách thì cơ quan nào thanh toán cơ quan đó phải thiết lập hồ sơ, hoàn thiện chứng từ thanh toán (các Cơ quan tiến hành tố tụng) phải lập chứng từ, bảng biểu mẫu để Luật sư ký nhận. Thông tư hiện quy định Luật sư phải lập, gửi và đề nghị.  Từ đó mỗi luật sư lập một loại biểu mẫu, thực hiện không giống nhau trong khi Thông tư không có biểu mẫu, hướng dẫn cụ thể. Do vậy, các chứng từ Luật sư lập thường không phù hợp quy định về Tài chính kế toán hoặc quy định nội bộ của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng. Điều đó khó khăn cho cả cơ quan thanh toán và Luật sư. Hiện nay trên thực tế thường là chứng từ do chính cơ quan Tiến hành tố tụng lập và Luật sư chỉ ký nhận thù lao. Pháp luật quy định không thống nhất về trách nhiệm lập và chuẩn bị chứng từ để thanh toán dẫn đến khó thực hiện.

          – Luật sư khi thực hiện bào chữa theo chỉ định chỉ trực tiếp làm việc với Điều Tra viên, Kiểm sát Viên, Thẩm phán, thư ký… không làm việc với Thủ trưởng cơ quan hoặc bộ phận Kế toán/ tài chính của Cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng pháp luật hiện không quy định trách nhiệm của Điều Tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký… trong việc thanh toán thù lao trả Luật sư mà pháp luật quy định Cơ quan có trách nhiệm thanh toán (cơ quan được hiểu là người đứng đầu hoặc bộ phận chuyên trách). Do vậy, nhiều trường hợp cán bộ tiến hành tố tụng đã viện dẫn quy định này và đẩy vụ việc lên lãnh đạo, gây mất thời gian, tranh chấp, khiếu nại….

          Pháp luật cần quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết việc chi trả thù lao cho Luật sư cùng Biểu mẫu, chứng từ và trách nhiệm thực hiện là của ai để thực hiện thống nhất thực hiện.

          2.4. Các loại chi phí được thanh toán hiện quy định chưa phù hợp, thiếu nhiều chi phí cần thiết

          Dịch Covid – 19 buộc các hoạt động phải thích ứng theo, trong đó có quy định Luật sư tiếp xúc bị can, bị cáo phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Thực tế chi phí này trong toàn quốc là vô cùng lớn và nếu chi phí 1 lần xét nghiệm PCR cao hơn tổng chi phí mà Cơ quan tiến hành tố tụng chi trả cho Luật sư/ ngày lần làm việc (tức trên lần làn việc). Với diễn biến phức tạp không chỉ ở đại dịch Dịch Covid mà còn có thể sẽ có các dịch bệnh khác tương tự làm phát sinh nhiều loại chi phí. Cùng chi phí xét nghiệm các loại chi phí cho vật tư tiêu hao một lần như tđồ bảo hộ… cũng tương tự.

          Thông tư liên tịch số: 191/2014/TTLT – BTC – BTP hiện quy định cứng, liệt kê và đóng khung các loại chi phí được thanh toán. Thông tư không có quy định theo hướng mở các chi phí hợp lý, hợp lệ được phép thanh toán. Vì vậy, Cơ quan tiến hành tố tụng khó thực hiện khi thanh toán các chi phí thực tế, cần thiết hợp lệ như chí phí xét nghiệm Covid, chi phí cho vật tư tiêu hao một lần như đồ bảo hộ…

          Nhiều Luật sư đã phải tự thanh toán các chi phí này (tức phải bù lỗ trực tiếp) khi phải dùng tiền cá nhân để chi trả các chi phí khi thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao.

          Trước bất hợp lý này, thời gian qua Bộ Tư pháp và Liên Đoàn Luật sư đã có Văn bản kiến nghị về nội dung này nhưng Bộ Tài chính chưa phản hồi, giải quyết.

          – Thực tế khi Luật sư tác nghiệp phát sinh nhiều loại chi phí hợp lý và cần thiết khác để phục vụ việc bào chữa cho bị can, bị cáo như chi phí sao chụp hồ sơ, chi phí xăng xe đi lại, chi phí gửi xe từ Văn phòng đến trại tạm giam, Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án…. Hiện có nhiều địa phương các địa điểm này rất xa, tốn kém, khoản tiền cơ quan tiến hành tố tụng thanh toán không đủ bù đắp các chi phí này.

          Việc mở rộng  loại chi phí chi trả các loại chi phí hợp lý, hợp lệ và cần thiết để phục vụ hoạt động Luật sư là cần thiết và phù hợp định như về tài chính, kế toán công.

          2.5. Thông tư liên tịch số: 191/2014/TTLT – BTC – BTP quy định thời gian làm việc của Luật sư theo cách liệt kê công việc và chỉ chỉ liệt kê công việc mang tính chất cơ học, có sự tham gia của cán bộ, tại trụ sở, không phù hợp tính chất và thực tế tác nghiệp của Luật sư

          – Luật sư tham gia bào chữa bắt buộc phải nghiên cứu hồ sơ tài liệu, pháp luật, tư duy và chuẩn bị bản luận cứ (có thể bằng Văn bản hoặc chuẩn bị ý chính). Đây là hoạt động tối cần thiết và tốn rất nhiều thời gian, tâm sức, trí lực của Luật sư nhưng hiện Thông tư không quy định khoảng thời gian này là thời gian được tính để thanh toán thù lao cho luật sư khi thực hiện vụ án chỉ định.

          – Luật sư phải di chuyển, liên hệ rất mất nhiều thời gian từ trụ sở Văn phòng đến địa điểm làm việc do Cơ quan tiến hành tố tụng bố trí để làm thủ tục bào chữa và thực hiện bào chữa nhưng không được tính thời gian di chuyển, làm thủ tục là thời gian tác nghiệp được thanh toán thù lao. Tương tự, thời gian đi làm thủ tục thanh toán đôi khi mất rất nhiều thời gian nhưng không được tính là thời gian tác nghiệp để được thanh toán.

          – Các hoạt động tố tụng kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm Luật sư phải thường xuyên tự nghiên cứu lại vụ việc  trước mỗi lần cơ quan tiến hành tố tụng mời Luật sư làm việc nhưng hiện Thông tư không tính là thời gian luật sư tự nghiên cứu lại vụ việc để thanh toán.

          – Hoạt động Luật sư bao gồm nhiều hoạt động như tiếp tục với thân nhân bị can, bị cáo, tham gia hòa giải giữa các bên tại chính Trụ sở Văn phòng hoặc địa điểm ngoài Trụ sở cơ quan tố tụng và được tiến hành độc lập không có cán bộ tham dự cùng.… Nhưng hiện những công veiejc này không được công nhận là thời gian để chi trả.

          2.6. Thông tư liên tịch số: 191/2014/TTLT – BTC – BTP quy định không phù hợp quy định về chuyển đổi số, tác nghiệp điện tử của Luật sư, xét xử trực tuyến

          – Thời gian nghiên cứu hồ sơ, tác nghiệp của Luật sư hiện nay Thông tư  quy định theo hướng Luật sư bắt buộc phải ngồi đọc hồ sơ, làm luận cứ tại trụ sở Cơ quan tiến hành tố tụng và có Bảng chấm công (thủ công) mới được thanh toán. Quy định này đi ngược công cuộc chuyển đổi số Đảng, Nhà nước đang thực hiện. Thực tế Luật sư chỉ đến Cơ quan tiến hành tố tụng để chụp hồ sơ (chụp ảnh) sau đó về tự nghiên cứu tại Văn phòng. Nhưng thời gian nghiên cứu, làm việc ngoài Trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng hiện không được tính là thời gian để thanh toán.

             3. Hậu quả, bất cập từ quy định và áp dụng Thông tư liên tịch số: 191/2014/TTLT – BTC – BTP ; kiến nghị sửa đổi hoàn thiện

          3.1. Hậu quả từ hạn chế từ bất cập của quy định pháp luật, thực tế áp dụng hiện

          – Khó tổ chức thực hiện; bối rối, khống biết thực hiện như thế nào cho phù hợp;

          – Tổ chức thực hiện không thống nhất, thiếu đồng bộ và tùy nghi, thiếu sự phối hợp giữa các bên;

          – Đùn đẩy trách nhiệm, có nơi không thực hiện việc chi trả, chi trả không phù hợp, khó khăn trong chi trả dẫn đến tranh chấp khiếu nại;

          – Chất lượng hoạt động bào chữa theo chỉ định bị ảnh hưởng, quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo bị ảnh hưởng. Kết quả thực hiện chủ trương lớn và  nhân văn của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng phần nào bị hạn chế;

          – Hình ảnh của hoạt động Tư pháp đôi khi bị ảnh hưởng bởi các sự kiện, tranh chấp không đáng có ( ví dụ Luật sư khiếu nại, đưa lên mạng xã hội phản ánh…);

          3.2. Kiến nghị hoàn thiện Chế định về Thù lao và thanh toán chi phí cho Luật sư trong trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng           3.1. Đề nghị sửa đổi pháp luật theo hướng đưa Chế định về Thù lao và thanh toán chi phí cho Luật sư trong trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng là một nội dung trong Pháp lệnh quy định chung về chi phí liên quan hoạt động tố tụng.

          Trong thời gian chờ ban hành Pháp lệnh, Chính phủ nên ban hành Nghị định hướng dẫn hoặc thấp nhất phải ban hành Thông tư liên tịch với đầy đủ các bên có liên quan trong đó bắt buộc phải có Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ tài chính là chủ thể ký, ban hành Thông tư; và sự tham gia của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

          3.2. Trình tự, thủ tục thanh toán, thẩm quyền giải quyết; Biểu mẫu, chứng từ tài chính, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, bộ phận tài chính của cơ quan tiến hành tố tụng cần được quy định và hướng dẫn cụ thể, chi tiết và áp dụng thống nhất trong toàn quốc trong các cơ quan.

          3.3. Quy định bổ sung và theo hướng mở rộng thời gian Luật sư được thanh toán khi tham gia bào chữa chỉ định căn cứ trên nguyên tắc, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp, Đạo đức nghề nghiệp của Luật sư. Trong đó mở rộng đến các nhóm thời gian:

          – Thời gian di chuyển của Luật sư phục vụ trực tiếp cho việc Bào chữa;

          – Thời gian tác nghiệp cùng với cán bộ tiến hành tố tụng và tại địa điểm do cán bộ tiến hành tố tụng chỉ định;

          – Thời gian Luật sư tự tác nghiệp theo nguyên tắc và Đạo đức nghề nghiệp Luật sư như thời gian chuẩn bị Luận cứ, thời gian tự nghiên cứu, thời gian theo dõi vụ việc mà không có sự tham gia cùng của người tiến hành tố tụng;

          – Thời gian chi phí cho các hoạt động hành chính phục vụ như thời gian liên hệ, làm thủ tục Bào chữa, thời gian làm thủ tục thanh toán…

          3.4. Quy định phù hợp chuyển đổi số, xét xử trực tuyến

          Thời gian Luật sư tự nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Văn phòng, tự nghiên cứu pháp luật cần được chấp thuận không bắt buộc Luật sư phải đến Trụ sở Cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện các công việc trên mới được thanh toán.

          3.5. Các chi phí phát sinh hợp lý hợp lệ theo quy định cần được chấp nhận

          Các chi phí xét nghiệm, vật tư đặc hữu tiêu hao khi làm việc như đồ bảo hộ…;

          Chi phí Photo hồ sơ…;

             Trên đây là một số ý kiến xin đóng góp để quý Ủy ban tham khảo, góp ý với Cơ quan chuyên môn

Người góp ý

Luật sư Trần Văn An

Luật sư Trần Văn An

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *