Ngày nay rất nhiều gia đình nhận con về nuôi và sau đó đã xảy ra tranh chấp giữa con đẻ và con nuôi về di sản sau khi cha mẹ nuôi chết. Vậy, câu hỏi đặt ra rằng liệu con nuôi có được hưởng thừa kế hay không? Hãy cùng Luật sư Dân An tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Căn cứ Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.” Đồng thời, việc nhận nuôi con phải thỏa mãn các yếu tố dưới đây theo quy định của pháp luật:
Thứ nhất, cần đáp ứng đầy đủ về điều kiện nhận con nuôi theo đúng pháp luật quy định
Người nhận con nuôi và phải đủ điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 như sau:
“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.”
Thứ hai, Người nhận con nuôi không thuộc các trường hợp dưới đây
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
Theo Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về người được nhận làm con nuôi như sau:
– Trẻ em dưới 16 tuổi;
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
+ Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Như vậy, ngay cả khi bên nhận nuôi con và bên được nhận nuôi đáp ứng theo quy định của pháp luật thì họ phải nộp hồ sơ lên Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký nhận con nuôi. Sau khi làm xong thủ tục và được cấp Giấy xác nhận làm con nuôi thì về phương diện pháp lý, con nuôi sẽ được hưởng di sản thừa kế theo đúng pháp luật.
Thứ ba, con nuôi không thuộc trường hợp không được nhận di sản thừa kế theo pháp luật
Căn cứ Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Người không được hưởng di sản thừa kế được quy định như sau:
“Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”
Tuy nhiên, nếu bố mẹ nuôi biết con nuôi thuộc trường hợp quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 và họ chấp nhận thì con nuôi vẫn sẽ được hưởng quyền thừa kế và không phải bị tước bỏ hoàn toàn, quan trọng vẫn là ý chí của người để lại di sản thừa kế.
Như vậy, trường hợp việc nhận nuôi con nuôi thỏa mãn các điều kiện vừa nêu sẽ được hưởng di sản theo quy định của pháp luật.
Với những thông tin trên, chúng tôi hi vọng bạn đọc có thể hiểu hơn về vấn đề thừa kế đối với con nuôi. Trong trường hợp có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào cần giải đáp, hãy gọi cho chúng tôi qua:
Hotline 0912 236 527; 0204 3992 246 Hoặc gửi thư vào hòm thư qua địa chỉ Email: Dananluatsu@gmail.com để được Luật sư tư vấn.