Luật sư có quan điểm khác nhau khi cùng bảo vệ quyền cho khách hàng trong cùng vụ việc thì phải làm thế nào?

(LSVN) – Tôi là Luật sư mới ra trường, tham gia bào chữa cho bị cáo trong vụ án hình sự. Tôi cho rằng trong vụ án này bị cáo không phạm tội. Tuy nhiên, tôi được bị cáo cho biết Luật sư đồng nghiệp cùng bào chữa cho bị cáo của tôi có trao đổi là hành vi của bị cáo có tội và sẽ bào chữa theo hướng xin hưởng án treo cho bị cáo tại Tòa án. Vậy, trong trường hợp này tôi phải làm thế nào và có nên trao đổi với Luật sư cùng bào chữa cho bị cáo để thuyết phục cùng bào chữa theo hướng vô tội cho bị cáo hay không?

Ảnh minh họa.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định trường hợp có nhiều Luật sư cùng tham gia bào chữa, bảo vệ cho một khách hàng nhưng giữa các Luật sư có quan điểm khác nhau thì các Luật sư cần trao đổi để tránh xảy ra mâu thuẫn, gây ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp và quyền lợi của khách hàng.

Nghề Luật sư chịu trách nhiệm cá nhân, nguyên tắc hoạt động của Luật sư là độc lập và bình đẳng. Luật sư có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Cá nhân mỗi Luật sư có phương pháp, cách thức giải quyết vụ việc khác nhau, nhiều Luật sư cùng tham gia bào chữa cho một bị cáo, có thể có Luật sư có quan điểm bị cáo vô tội, Luật sư khác có quan điểm bị cáo có tội nhưng do có nhiều tình tiết giảm nhẹ và có thể được hưởng án treo… Đây là thực tế diễn ra nhiều năm và có thể là một trong các nguyên nhân gây mất đoàn kết của giới Luật sư, gây tổn hại đến uy tín nghề Luật sư và nhiều khi quyền lợi của khác hàng chưa được đảm bảo nếu các Luật sư không thống nhất và tại Tòa mỗi Luật sư thực hiện bào chữa, bảo vệ theo quan điểm cá nhân mình.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, Quy tắc 18.2 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định: “Trường hợp các Luật sư có quan điểm khác nhau khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cùng một khách hàng trong cùng vụ việc, Luật sư cần trao đổi để tránh xảy ra mâu thuẫn, gây ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp và quyền lợi của khách hàng”.

Bộ Quy tắc quy định các Luật sư cùng nhau trao đổi, bàn bạc, phân tích thiệt hơn và đặc biệt phải phân tích để khách hàng hiểu rõ bản chất pháp lý của vụ việc, điểm mạnh, điểm yếu của các phương án, hậu quả của việc lựa theo các phương án… từ đó để khách hàng cùng Luật sư quyết định lựa chọn quan điểm bào chữa, bảo vệ đúng đắn nhất đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. 

Đây là quy định mới của Bộ Quy tắc so Bộ Quy tắc ban hành năm 2011 và đòi hỏi sự tự nguyện, tự giác, sự hợp tác cao vì nghề nghiệp, vì lợi ích của khác hàng. Bộ Quy tắc sử dụng cụm từ “cần” tức là một yêu cầu, đề nghị rất cao và đòi hỏi người Luật sư phải chủ động thực hiện.

Luật sư nào trong số các Luật sư phải chủ động trao đổi trước với Luật sư đồng nghiệp? Cách thức trao đổi thực hiện như thế nào? Khách hàng có phải trả thêm chi phí để Luật sư trao đổi khai thác thông tin, tìm gặp đồng nghiệp để trao đổi hay không? Sau khi trao đổi nhưng các Luật sư vẫn không thể thống nhất quan điểm… Đây là những vấn đề đặt ra trên thực tiễn. Bộ Quy tắc không quy định cụ thể mà để các Luật sư và khách hàng tự lựa chọn, thống nhất cách thức thực hiện. Tuy vậy, cá nhân tôi có một số gợi ý sau:

– Các Luật sư khi biết thông tin có đồng nghiệp cùng thực hiện vụ việc cần chủ động trao đổi với khách hàng để lấy thông tin, địa chỉ và cùng chủ động trao đổi với Luật sư đồng nghiệp. Đây là trách nhiệm chung của tất cả các Luật sư tham gia vụ việc. Nhưng Luật sư nhận lời tham gia sau nên chủ động trao đổi với Luật sư tham gia vụ việc trước như một sự thể hiện tôn trọng của người đến sau và cũng là để có thêm thông tin, tài liệu của Luật sư đã tham gia trước;

– Luật sư thực hiện việc thông tin, trao đổi với đồng nghiệp thông qua các phương tiện cách thức từ đơn giản, tiện lợi như điện thoại, gửi thư điện tử đến cách thức phức tạp, tiêu tốn nhiều thời gian chi phí như gặp gỡ, bàn bạc thảo luận thậm chí mời chuyên gia cùng trao đổi thảo luận nếu cần thiết;

– Trong trường hợp việc trao đổi, gặp gỡ không làm phát sinh chi phí hoặc phát sinh ít chi phí như sử dụng điện thoại, thư điện tử, khoảng cách giữa các Luật sư gần,… Luật sư chủ động trích từ thù lao Luật sư để thực hiện. Trường hợp phát sinh chi phí lớn như vé máy bay, chi phí ăn nghỉ, chi phí mời chuyên gia… Luật sư cần trao đổi thống nhất với khách hàng trước, nếu khách hàng từ chối thanh toán các chi phí đó thì Luật sư cũng có thể không thực hiện việc trao đổi.

– Trường hợp sau khi đã trao đổi nhưng giữa các Luật sư vẫn không thống nhất về quan điểm bào chữa, bảo vệ, các Luật sư cần thông tin đầy đủ để khách hàng biết và lựa chọn phương án bào chữa, bảo vệ….

– Trường hợp quan điểm của khách hàng trái ngược quan điểm Luật sư, Luật sư có thể xem xét việc thanh lý Hợp đồng dịch vụ pháp lý và hoàn trả một phần chi phí theo thỏa thuận.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *