Trên thực tế, việc xác định trách nhiệm bồi thường trong các vụ án do hành vi chiếm đoạt tiền thông qua các hoạt động nghiệp vụ của cán bộ quỹ tín dụng, ngân hàng thương mại cổ phần là rất khó khăn và thường gây nhiều tranh cãi. Ở đây, bạn không nêu rõ bị cán bộ quỹ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền theo hình thức nào nên khó trả lời cụ thể. Nhưng có thể phân định các trường hợp để bạn hiểu.
Trường hợp cán bộ quỹ có hành vi lừa dối khách hàng, trực tiếp chiếm đoạt tiền, tài sản của khách hàng, khách hàng là nạn nhân trực tiếp của hành vi gian dối, chiếm đoạt, hành vi của cán bộ quỹ không tuân thủ các thủ tục, trình tự hoạt động của quỹ, khoản tiền gửi không được hạch toán vào sổ sách của quỹ… thì cán bộ quỹ là người thực hiện hành vi vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Trường hợp này rủi ro rơi vào khách hàng vì khả năng lấy được tiền rất thấp do đối tượng không còn khả năng chi trả.
Luật sư khuyến cáo: Để không trở thành nạn nhân của tội phạm lĩnh vực tín dụng, khách hàng cần lựa chọn tổ chức tín dụng uy tín. Trước khi giao dịch cần tìm hiểu kỹ quy định liên quan, thực hiện đúng, đủ trình tự, thủ tục luật định; không quá tin tưởng, ủy thác, nhờ cán bộ tín dụng làm hộ công việc của khách hàng; trước khi ký giấy tờ liên quan, khách hàng chủ động kiểm tra, đối chiếu các giao dịch, yêu cầu cán bộ liên quan cung cấp chứng từ đầy đủ. Nếu nghi vấn, thông tin ngay cho tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn ngừa, bảo vệ quyền lợi của mình. |
Trường hợp cán bộ quỹ có hành vi gian dối nhưng được thực hiện nhân danh quỹ, với đúng trình tự, thủ tục hoạt động của quỹ, các chữ ký, hồ sơ thiết lập do người có thẩm quyền của quỹ thực hiện… thì cán bộ quỹ đã gian dối và chiếm đoạt tiền của chính quỹ. Cán bộ có hành vi chiếm đoạt tiền của quỹ, nguồn tiền quỹ bị chiếm đoạt huy động tiền gửi của khách hàng thì quỹ tín dụng phải có trách nhiệm trả lại tiền cho người gửi. Quỹ có quyền đòi người đã chiếm đoạt phải bồi hoàn lại cho mình. Trường hợp này rủi ro rơi vào quỹ và khả năng thu hồi tiền rất khó khăn.
Nếu quỹ không đủ khả năng thanh toán trả tiền gửi cho khách hàng thì khách hàng có thể được cơ quan bảo hiểm tiền gửi thanh toán với số tiền tối đa không quá 75 triệu đồng/một sổ tiết kiệm đã gửi. Tuy vậy, không phải trường hợp nào cũng có thể được cơ quan bảo hiểm tiền gửi thanh toán mà phải đáp ứng các yêu cầu của Luật.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc mua bảo hiểm tiền gửi là nghĩa vụ bắt buộc đối với khoản tiền gửi. Điều 6, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
Mục 10, Điều 41 Thông tư 04 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về quỹ tín dụng đã nêu trách nhiệm của Quỹ: “Tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công khai tại trụ sở chính việc tham gia bảo hiểm tiền gửi”. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được bảo hiểm tiền gửi thanh toán mà phải đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo hiểm. Nghĩa là khoản tiền khách hàng gửi đã được quỹ mua bảo hiểm theo quy định. Trường hợp khoản tiền gửi mặc dù khách hàng đã gửi vào quỹ nhưng do cán bộ quỹ thực hiện hành vi lừa đảo không nhập vào hệ thống sổ sách, không báo cáo mà để ngoài, không được hạch toán, kê khai, tức là khoản tiền đó cũng không được trích nộp để mua bảo hiểm tiền gửi, do vậy nếu có rủi ro thì không được bảo hiểm chi trả. Trường hợp này được xác định cán bộ quỹ đã lừa đảo, gian dối với khách hàng, đồng thời đã gian dối với quỹ và cơ quan bảo hiểm tiền gửi.
Đối với các khoản tiền cán bộ quỹ chiếm đoạt của quỹ và nguồn gốc tiền là huy động tiền gửi từ khách hàng. Khoản tiền đó khách hàng gửi vào đúng quy định, được hạch toán, kê khai trên hệ thống đúng quy định thì khi có rủi ro về nguyên tắc sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán theo quy định.
Về xử lý đối với các trường hợp vi phạm, theo quy định pháp luật, hành vi gian dối của cán bộ quỹ tín dụng, hay ngân hàng để chiếm đoạt tiền có thể bị xử lý về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội tham ô tài sản hoặc một số tội khác tùy vào hành vi, tính chất và nguồn gốc số tiền bị chiếm đoạt. Khung hình phạt, mức hình phạt cụ thể với các tội này thường rất nặng. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, Điều 139 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 140 tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì việc chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Luật sư Trần Văn An
- Chủ đề :