Từ một mảnh đất được cấp nhiều sổ đỏ, nguyên cán bộ Viện KSND tỉnh Bắc Giang Trịnh Thị Thanh cùng chồng là Đỗ Đức Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Hành vi tội phạm này không thể thực hiện được nếu không có sự tiếp tay vô tình hay cố ý của văn phòng công chứng và cơ quan liên quan. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xem xét kỹ để không bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.
Cặp vợ chồng siêu lừa này giả mất sổ đỏ rồi làm thủ tục báo mất đề nghị xin cấp lại sổ đỏ. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bắc Giang ra quyết định huỷ sổ đỏ được báo mất và cấp lại cuốn sổ đỏ mới.
Tuy nhiên, sau đó, vợ chồng Thanh Kiên mang sổ đỏ mới thế chấp vay ngân hàng và dùng cuốn sổ đỏ cũ (đã bị Sở TN&MT Bắc Giang huỷ) bán cho bà Vũ Thanh Hương. Đặc biệt, hợp đồng chuyển nhượng này được Văn phòng công chứng Thiên Long công chứng ngày 26-9-2017, số công chứng 2614/2017/HĐGD, quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD.
Ngày 22-11-2017, bà Vũ Thanh Hương (bên nhận chuyển nhượng) đã tiếp tục được Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cấp sổ đỏ cho mảnh đất này. Trong khi, trước đó, chính cơ quan này đã ra quyết định huỷ cuốn sổ đỏ cũ mà vợ chồng Thanh Kiên báo mất.
Vụ lừa đảo không dừng lại ở đó mà đến ngày 4-1-2018, ông Đỗ Đức Kiên, bà Trịnh Thị Thanh tiếp tục dùng Giấy chứng nhận mới (được cấp lại do mất) lập hợp đồng chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Hiếu, bà Tạ Minh Nguyệt được Văn phòng công chứng số 1 tỉnh Bắc Giang công chứng ngày 4-1-2018, số công chứng: 15/2018, quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD. Ngày 5-1-2018, ông Nguyễn Văn Hiếu nộp hồ sơ đăng ký nhận chuyển nhượng thửa đất nêu trên.
Vậy trách nhiệm của Văn phòng công chứng Thiên Long và các cán bộ lãnh đạo liên quan thuộc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang thế nào trong vụ án lừa đảo này?
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: Theo Điều 2 Luật Công chứng, tính hợp pháp của văn bản công chứng được xây dựng từ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp của người đến đề nghị công chứng. Công chứng viên trực tiếp xử lý vụ việc công chứng phải có trách nhiệm kiểm tra giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với việc mua bán bất động sản. Trường hợp có nghi ngờ thì công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
Trường hợp văn phòng công chứng không kiểm soát, không phát hiện ra sổ đỏ đã bị thu hồi, chấm dứt giá trị pháp lý mà vẫn thực hiện việc sang tên thì đó là lỗi trực tiếp của Công chứng viên thực hiện việc công chứng. Trường hợp Công chứng viên biết giấy tờ đó là giả hoặc tiếp nhận ý chí của người thực hiện hành vi công chứng về việc lừa đảo thì không loại trừ khả năng công chứng viên sẽ là người đồng phạm với vai trò giúp sức của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với cơ quan cấp cuốn sổ đỏ “ma”, cá nhân có quyền hạn trực tiếp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có lỗi khi sổ đỏ do chính mình, cơ quan mình đã hủy bỏ hiệu lực mà vẫn tiếp tục làm thủ tục sang tên cho bên thứ ba khi mua bán chuyển nhượng.
Nếu biết tình trạng sổ đỏ đã bị chấm dứt hiệu lực mà vẫn ký văn bản pháp lý cho phép sang tên hoặc tiếp nhận ý chí của người thực hiện hành vi công chứng về việc lừa đảo thì nhiều khả năng người này là đồng phạm giúp sức của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.