Để phiên tòa trực tuyến có tính khả thi, luật sư cho rằng quan trọng nhất vẫn là khả năng nhận thức, thích ứng của người dân, người tham gia tố tụng.

Lo thiếu trang thiết bị

TAND Tối cao cho biết đã hoàn thiện Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Đây là hình thức xét xử qua các thiết bị điện tử được kết nối mạng và hoạt động bằng phần mềm ứng dụng.

Để làm rõ những băn khoăn về mô hình Tòa án điện tử, cụ thể hơn là Phiên tòa trực tuyến, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn An – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang.

Góc nhìn luật gia - Xét xử trực tuyến: “Quan trọng nhất khả năng thích ứng của người dân”
Luật sư Trần Văn An – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang.

Người Đưa Tin: Được biết, ông nhiều lần được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cử sang nước ngoài giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, xin Luật sư đánh giá về mô hình Tòa án điện tử?

Luật sư Trần Văn An: Theo sự phát triển của xã hội, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc hình thành Tòa án điện tử là tất yếu. Tòa án điện tử bao gồm rất nhiều yếu tố, từ hồ sơ điện tử, xét xử điện tử và đều sử dụng công nghệ, phương tiện hỗ trợ.

Chúng tôi thấy quá trình tổ chức Tòa án điện tử ở Đức, họ có phần mềm chuyên dụng để chuyển hồ sơ giấy thành các file điện tử. Những người tham gia vụ án như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… được cấp mã và phần mềm chuyên dụng để truy cập, tiếp cận, khai thác, sử dụng hồ sơ đã được mã hóa đấy. Bộ hồ sơ giấy chỉ lưu tại tòa án.

HĐXX cũng xét xử trên nền tảng bộ hồ sơ đã được mã hóa điện tử đó. Nhiều nước đang làm như vậy, đến một lúc nào đó thì không còn hồ sơ giấy nữa mà chỉ còn hồ sơ điện tử.

Trong Tòa án điện tử thì có khâu xét xử trực tuyến, tức là xét xử thông qua phương tiện khoa học kỹ thuật.

Cộng thêm lý do dịch bệnh bùng phát, vấn đề đi lại khá khó khăn nên việc xử lý một số vụ án theo mô hình trực tuyến vừa phù hợp với xu thế tất yếu, hơn nữa lại phù hợp với yêu cầu trước mắt hiện nay.

Một ưu điểm của Tòa án điện tử chính là bỏ được hồ sơ giấy, bỏ được hệ thống cồng kềnh, tất cả áp dụng công nghệ khoa học, tiết kiệm về thời gian, công sức, tiền của.

Người Đưa Tin: Tòa án điện tử là xu thế tất yếu, đối với Việt Nam tại thời điểm này đã phù hợp chưa, thưa Luật sư?

Luật sư Trần Văn An: Tòa án điện tử, trong đó có xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu của lịch sử phát triển. Do là tất yếu nên dù muốn hay không thì Việt Nam cũng phải áp dụng vì nó là văn minh của nhân loại.

Còn thời điểm này nó đã phù hợp và đáp ứng được các điều kiện chưa thì theo tôi, hiện chỉ nên giới hạn ở một số vụ việc và mang tính chất xét xử thí điểm, vừa xử vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện. Lúc đó chúng ta sẽ đánh giá được một cách chính xác về cơ sở vật chất của chúng ta đáp ứng được đến đâu, con người, khoa học kỹ thuật của chúng ta đáp ứng đến đâu.

Quan trọng nhất vẫn là khả năng nhận thức, khả năng thích ứng của người dân, người tham gia tố tụng đối với việc xét xử trực tuyến. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giải quyết vụ việc. Đối với người dân nhận thức quá lạc hậu, thiếu thốn cơ sở vật chất mà cho họ tham gia phiên tòa xét xử trực tuyến thì rõ ràng tính hiệu quả không cao.

Còn một vấn đề luật sư băn khoăn, nói đến xét xử trực tuyến thì cần phải thêm một chủ thể tham gia vào hoạt động xét xử, đó chính là bộ phận quản lý điều hành, kết nối các thiết bị điện tử. Theo tôi, bộ phận này cực kỳ quan trọng và cần phải quy định trong luật, đưa người này vào làm một chủ thể tham gia tố tụng.

Người Đưa Tin: Theo Luật sư tiêu chí nào để lựa chọn những vụ án xét xử trực tuyến?

Luật sư Trần Văn An: Nếu theo dự thảo, căn cứ lựa chọn vụ án để xét xử trực tuyến là vụ án có mức án nhẹ, tính chất đơn giản, mối quan hệ pháp luật rõ ràng, ít đương sự…

Trên thực tế, có nhiều bị can, bị cáo, đương sự có nhược điểm về thể chất tinh thần hoặc xã hội ảnh hưởng đến việc trình bày, khai báo, tranh tụng của họ nếu xét xử trực tuyến. Ví dụ như với người không biết chữ, người cao tuổi ( khả năng nghe, nói), người vị thành niên, người dân tộc thiểu số lạc hậu … Chắc chắn với những người này khi tham gia phiên tòa trực tuyến thì tâm lý của họ sẽ bị ảnh hưởng tác động đến khả năng trình bày, tranh tụng của họ. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng vụ án, vụ việc. Theo tôi, trước mắt cần quy định chưa áp dụng phiên tòa trực tuyến với các nhóm đối tượng nhất định.

Người Đưa Tin: Đối với “Phiên tòa trực tuyến” làm sao để đảm bảo sự công tâm, khách quan?

Luật sư Trần Văn An: Một trong các căn cứ để lựa chọn vụ án, vụ việc xét xử trực tuyến theo Dự thảo: chứng cứ rõ ràng, vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng… 

Về nguyên tắc việc đánh giá chứng cứ thuộc HĐXX và đánh giá tại phiên tòa thông qua quá trình thẩm vấn, tranh tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng, người được phân công tham gia giải quyết vụ án như thẩm phán, kiểm sát viên có thể có sự đáng giá chứng cứ ngay khi tiếp xúc, nghiên cứu vụ án trước khi mở phiên tòa. Nhưng việc đánh giá này chỉ ở bước đầu và bị yếu tố chủ quan chi phối vì chưa được so sánh, kiểm chứng tại phiên tòa. Do vậy, xác định chứng cứ rõ ràng hay chưa rõ ràng đòi hỏi sự công tâm, khách quan tuyệt đối ngay khi quyết định lựa chọn đưa vụ án, vụ việc ra xét xử trực tuyến.

Tránh trường hợp do cách đánh giá một chiều của thẩm phán – Chủ tọa phiên tào cho rằng chứng cứ đã rõ ràng, vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, từ đó quyết định xử trực tuyến nhưng đương sự, luật sư tham gia vụ án có quan điểm khác nên mâu thuẫn, đối lập, mất niềm tin ngay khi vụ án chưa được xét xử.

Luật sư là người có kiến thức pháp luật, được tiếp xúc với hồ sơ vụ án, có khả năng và kinh nghiệm để đánh giá chứng cứ vụ án đã rõ ràng hay chưa, tính chất vụ án đơn giản hay phức tạp… Để thống nhất, tôi kiến nghị một trong các căn cứ để vụ án có được đưa ra xét xử trực tuyến hay không cần có sự chấp thuận, đồng thuận của người bào chữa, bảo vệ cho bị cáo, đương sự trong vụ án. Điều này là phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng hiện nay, thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch của pháp luật.

Người Đưa Tin: Với mô hình “Phiên tòa trực tuyến” có hạn chế việc tiếp cận, tham dự đưa tin diễn biến phiên xét xử của nhà báo?

Luật sư Trần Văn An: Trực tuyến không có nghĩa là không công khai, mọi người vẫn được quyền tham gia. Luật sư đề xuất cơ quan báo chí cũng là một chủ thể vì trong tố tụng có quy định về việc tham gia của cơ quan báo chí.

Nếu theo dự thảo hiện nay, phóng viên, nhà báo được đến trụ sở chính, nơi có HĐXX điều hành phiên xét xử. Tuy nhiên, nếu đã xét xử trực tuyến trên không gian mạng thì cơ quan báo chí cũng cần được tiếp cận vụ án trên không gian mạng; nói cách khác là cơ quan báo chí cũng cần được cấp đường link để theo dõi phiên tòa trực tuyến này. Như vậy mới đảm bảo tính kịp thời và tính công khai minh bạch. Trong khi đó, cơ quan báo chí có đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng được yêu cầu bảo mật.

NĐT: Xin cám ơn Luật sư!

Trao đổi với Người Đưa Tin, Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP.Hà Nội cho rằng, đối với các vụ án đơn giản thì việc xét xử trực tuyến là hoàn toàn phù hợp, không đáng lo ngại.

Tuy vậy, thẩm phán Trương Việt Toàn cũng cho rằng, việc không đủ phương tiện, máy móc, trang thiết bị cho việc xét xử trực tuyến cũng là một hạn chế. Thẩm phán Toàn dẫn chiếu việc nhiều người còn thiếu thốn và chưa biết sử dụng các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Quan điểm của thẩm phán Toàn, đối với những trường hợp này thì lại tiến hành xét xử trực tiếp chứ không thể áp dụng xét xử trực tuyến như Dự thảo của TAND Tối cao.

Ngoài lo ngại về việc thiếu thốn trang thiết bị cho việc xét xử trực tuyến thì Luật sư Trần Văn Việt (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) lại băn khoăn vấn đề cần phải có phương án để đảm bảo về đường truyền, không gian, thời gian… xét xử trực tuyến. Ví dụ, khi Luật sư đang phát biểu mà đường truyền yếu, bị gián đoạn thì có được trình bày lại hay không, nếu được thì trình bày lại từ phần nào…

“Dự thảo có quy định việc tạm ngừng, tạm hoãn phiên tòa nếu đường truyền bị gián đoạn nhưng chưa quy định cụ thể việc gián đoạn đó trong vòng bao lâu thì phải tạm ngừng, tạm hoãn phiên tòa. Rõ ràng việc phiên tòa diễn ra trực tiếp, liên tục, và công khai là những nguyên tắc cơ bản của pháp luật”, Luật sư Việt phát biểu.

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *